Mãi mãi tri ân...
Mảnh đất Long An trung dũng, kiên cường ghi dấu công lao của những người con "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ở đó có sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam, góp phần làm nên những trang sử vàng. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh luôn quan tâm phụng dưỡng, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) chu đáo, ân tình,...
1. Ngày tiễn chồng, con lên đường vì Tổ quốc, người vợ, người mẹ nào cũng mong ngày sum họp khi đất nước hòa bình. Nhưng họ đã không thể về với mẹ! Có nhà thơ đã ví rằng, vết chân chim trên khuôn mặt Mẹ VNAH như những giao thông hào của thời gian. Đó có lẽ là những vết hằn của bao năm chờ đợi, mong nhớ, đau thương,...
Đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ VNAH", thoáng trên khóe mắt của các mẹ và người thân rưng rưng giọt nước mắt. Đó là những giọt nước mắt thương nhớ những người thân anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn và thể hiện lòng biết ơn Đảng, Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa thừa ủy quyền trao tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho người thân của các mẹ
Với khí phách "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong bảng vàng danh dự ghi dấu công lao to lớn của các Bà mẹ VNAH, có nhiều mẹ trong gia đình có nhiều người hy sinh qua 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Một trong số đó là mẹ Phạm Thị Uyển, SN 1928, hiện ở phường 4, TP.Tân An. Mẹ chia sẻ, cảm thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Long An trung dũng, kiên cường và càng tuyệt vời hơn nữa khi mẹ có đến 2 người mẹ VNAH. Một người đã sinh ra mẹ và người kia là mẹ chồng. Bản thân mẹ Uyển có chồng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hiện nay, tuy bước sang độ tuổi 95 nhưng mẹ Uyển vẫn còn minh mẫn. Mẹ Uyển xúc động: "Chiến tranh qua đi nhiều năm, ngày nay, đất nước được hòa bình, thống nhất. Tôi mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay phải biết quý trọng nền độc lập, tự do mà những thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để đánh đổi, sống sao cho xứng đáng, ra sức thi đua, xây dựng cuộc sống gia đình. Tôi cảm thấy vinh dự vì gia đình có đến 3 người được nhận danh hiệu Bà mẹ VNAH. Vì vậy, tôi luôn giáo dục con cháu phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống gia đình''.
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Long An tổ chức truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Trong số 17 mẹ được truy tặng, có 6 mẹ có chồng và 1 người con là liệt sĩ; 8 mẹ có 2 người con là liệt sĩ và 3 mẹ có 1 người con độc nhất là liệt sĩ.

Ông Lê Văn Lắm (bìa phải) luôn dạy bảo các con sống sao cho xứng đáng với truyền thống gia đình
Là cháu thờ cúng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hỏi (gọi là dì ruột), ông Lê Văn Lắm, ngụ ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, cảm thấy vinh dự. Ông Lắm chia sẻ, là gia đình có người thân đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ông xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo gia đình có công với cách mạng. "Vợ chồng tôi có 2 đứa con. Hai vợ chồng hàng ngày trồng chanh để kiếm thu nhập. Xuất thân là nông dân nhưng phát huy truyền thống gia đình, chúng tôi giáo dục con cháu làm một công dân tốt" - ông Lắm nói.
2. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Đặng Ngọc Tảo cho biết, Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi tạc công ơn của các anh hùng liệt sĩ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 5.300 bà mẹ được phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ VNAH". Trong số đó, có 1 mẹ có chồng và 6 người con là liệt sĩ, 4 mẹ có chồng và 5 người con là liệt sĩ, 8 mẹ có chồng và 4 người con là liệt sĩ, 54 mẹ có chồng và 3 người con là liệt sĩ, 282 mẹ có chồng và 2 con là liệt sĩ, 859 mẹ có chồng và 1 người con là liệt sĩ, 8 mẹ bản thân và 1 người con là liệt sĩ, 1 mẹ có 8 người con là liệt sĩ, 3 mẹ có 6 người con là liệt sĩ, 32 mẹ có 5 người con là liệt sĩ, 122 mẹ có 4 người con là liệt sĩ, 766 mẹ có 3 người con là liệt sĩ, trên 2.700 mẹ có 2 người con là liệt sĩ, 479 mẹ có 1 con độc nhất là liệt sĩ. Hiện nay, số mẹ còn sống là 120 người.

Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với gia đình có công với nước
Sự đóng góp to lớn, quý báu của các Bà mẹ VNAH đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Hiện nay, tỉnh vẫn còn một số trường hợp chưa được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, lý do trong thân nhân gia đình chưa có sự đồng thuận ủy quyền đề cử người lập thủ tục hồ sơ hoặc có sự sai sót về thông tin bà mẹ ở các hồ sơ gốc, do các bà mẹ đã mất rất lâu nên việc xác minh để điều chỉnh thông tin gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo các ngành phối hợp các xã, phường, thị trấn và gia đình tập trung cho công tác xác lập hồ sơ để gia đình các bà mẹ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, sớm được nhận danh hiệu cao quý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chia sẻ, những năm qua, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Những Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhận phụng dưỡng đến cuối đời và thường xuyên thăm hỏi, động viên về vật chất, tinh thần.

Tuổi trẻ tri ân gia đình có công với cách mạng
Ông cho rằng, sự phụng dưỡng, chăm lo đó so với sự hy sinh, mất mát của các bà mẹ là rất nhỏ bé. Ông đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chăm lo nhiều hơn nữa cho các gia đình chính sách; đồng thời, đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", nhất là đối với các bà mẹ, gia đình của Mẹ VNAH và xem đó là trách nhiệm, đạo lý, nhân văn cao đẹp./.
Danh hiệu "Bà mẹ VNAH" là danh hiệu cao quý mà Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phong tặng, truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, cùng với cả nước, quân và dân Long An đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.000 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Kỷ niệm chương tù đày; gần 80.000 người có công được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến; nhân dân và lực lượng vũ trang Long An được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đặc biệt, tại Đại hội anh hùng - chiến sĩ thi đua toàn miền lần thứ II (tháng 9/1967), tỉnh Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Tất cả những người có công đều được Nhà nước công nhận và thân nhân của các gia đình đều được chi trả chế độ, chính sách kịp thời, đúng quy định; đồng thời, được hưởng chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, xây dựng, sửa chữa nhà ở, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm,... |
Nguồn: Song Nhi (Báo LA)
https://baolongan.vn/mai-mai-tri-an--a135206.html