image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Quá trình hình thành và phát triển Sở Nội vụ tỉnh Long An

SỞ NỘI VỤ TỈNH LONG AN

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

I. SỞ NỘI VỤ TỈNH LONG AN

Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Long An được thành lập theo Quyết định số 793/UB-QĐ ngày 21/12/1976 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An. Từ khi thành lập đến nay, với vai trò là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Sở Nội vụ qua các giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 2008

Ngày 21/12/1976, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành Quyết định số 793/UB-QĐ quy định quyền hạn, nhiệm vụ của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, cụ thể: Ban Tổ chức chính quyền tỉnh là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy, công chức và viên chức Nhà nước, lập hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ. Ban chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự hướng dẫn và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ).

Ngày 07/01/2000, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Qui chế làm việc của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (theo Quyết định số 104/2000/QĐ.UB), cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh gồm 03 bộ phận: Bộ phận Tổ chức Cán bộ - Công chức; Bộ phận Chính quyền địa phương; Bộ phận Hành chính - Tổng hợp.

Theo các quy định trên, hoạt động nội bộ của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh làm việc theo chế độ chuyên viên, không có cấp phòng.

Đến năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế làm việc của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (Quyết định số 2412/2001/QĐ-UB Ngày 16/7/2001), trong đó quy định về cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh có 03 phòng nghiệp vụ: Phòng Tổ chức Công chức; Phòng Xây dựng Chính quyền địa phương; Phòng Tổ chức hành chính - Tổng hợp.

Đến ngày 20/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 248/2003/QĐ-TTg đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành Sở Nội vụ (cho đến nay). Theo đó, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 05/2004/TT-BNV ngày 19/01/2004 hướng dẫn một số nội dung chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác Nội vụ ở địa phương. Thông tư số 05/2004/TT-BNV của Bộ Nội vụ không quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ mà giao Giám đốc Sở Nội vụ căn cứ đặc điểm và tình hình cụ thể tại địa phương, xây dựng phương án trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hình thức tổ chức cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật.

Theo Quyết định số 467/2004/QĐ-UB ngày 19/02/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ gồm 04 phòng: Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Tổ chức công chức; Phòng Xây dựng chính quyền địa phương. Năm 2006, thành lập thêm Phòng Cải cách hành chính (theo Quyết định số 1311/QĐ-UBND ngày 10/5/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Trong giai đoạn này, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh sau đó là Sở Nội vụ đã thực hiện tốt vai trò tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp của tỉnh sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Nhất là tham mưu lãnh đạo tỉnh tổ chức tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Giai đoạn từ năm 2008 đến nay

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 31/3/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 769/QĐ-UBND về việc sắp xếp tổ chức bộ máy Sở Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Ban Tôn giáo - Dân tộc tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh. Theo đó, sáp nhập Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, bộ phận Tôn giáo của Ban Tôn giáo - Dân tộc tỉnh và Trung tâm Lưu trữ tỉnh thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh vào Sở Nội vụ.

Sau khi sáp nhập cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, gồm:

1. Văn phòng Sở.

2. Thanh tra Sở.

3. Phòng Tổ chức công chức.

4. Phòng Xây dựng chính quyền địa phương.

5. Phòng Cải cách hành chính.

6. Phòng Quản lý Văn thư, lưu trữ.

7. Ban Tôn giáo.

8. Ban Thi đua - Khen thưởng.

9. Trung tâm Lưu trữ là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.

Kể từ năm 2008, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Ngoải chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy; biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; tổ chức hội, tổ chức phi Chính phủ, còn bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ tham mưu về công tác văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua, khen thưởng.

Sau đó, cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ có những thay đổi như sau:

Năm 2010, thành lập Chi cục Văn thư - Lưu trữ trên cơ sở hợp nhất Phòng Quản lý Văn thư, lưu trữ và Trung tâm Lưu trữ (theo Thông tư số 02/2010/TT-BNV ngày 28/4/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức Văn thư, Lưu trữ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp)

Năm 2011, thành lập Phòng Đào tạo (sau đó giải thể vào năm 2015, chuyển nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sang Phòng Công chức, viên chức); thành lập Phòng Công tác thanh niên (theo Thông tư số 04/2011/TT-BNV ngày 10/2/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn bổ sung nhiệm vụ, tổ chức và biên chế của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện về công tác thanh niên); thành lập Trung tâm Lưu trữ trực thuộc Chi cục Văn thư - Lưu trữ (năm 2016, đổi tên thành Trung tâm lưu trữ lịch sử theo Quyết định số 1209/QĐ-UBND ngày 28/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Năm 2013, thành lập Phòng Pháp chế (theo Quyết định số 08/2013/QĐ-UB ngày 08/02/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ).

Đến tháng 10/2016, thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trực thuộc Sở Nội vụ.

Năm 2018, thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 29/12/2017 của Tỉnh ủy về "Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)". Sở đã sắp xếp tinh gọn tổ chức bên trong của Sở như sau: Sáp nhập Phòng Pháp chế vào Văn phòng; sáp nhập Phòng Cải cách hành chính vào Thanh tra Sở; thành lập Phòng Tổ chức, biên chế và công chức, viên chức trên cơ sở hợp nhất Phòng Tổ chức, biên chế và tổ chức phi chính phủ và Phòng Công chức, viên chức. Các ban, chi cục thực hiện hợp nhất Phòng Hành chính - Tổng hợp và Phòng Nghiệp vụ thành Phòng Hành chính - Nghiệp vụ. Sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong, cơ cấu tổ chức trực thuộc Sở gồm:

1. Văn phòng Sở.

2. Thanh tra Sở.

3. Phòng Tổ chức, biên chế và công chức, viên chức.

4. Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên.

5. Ban Thi đua - Khen thưởng (có 01 phòng trực thuộc: Phòng Hành chính - Nghiệp vụ).

6. Ban Tôn giáo (có 01 phòng trực thuộc: Phòng Hành chính - Nghiệp vụ).

7. Chi cục Văn thư - Lưu trữ (có 01 phòng trực thuộc: Phòng Hành chính - Nghiệp vụ và 01 đơn vị sự nghiệp công lập: Trung tâm Lưu trữ lịch sử).

8. Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở: Trung tâm Phục vụ hành chính công (đến tháng 9/2018 chuyển Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sang thuộc Văn phòng UBND tỉnh).

Năm 2022, tổ chức lại Chi cục Văn thư - Lưu trữ thành Phòng Văn thư - Lưu trữ; thành lập Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Chi cục Văn thư - Lưu trữ.

3. Tổ chức Đảng, đoàn thể cơ quan Sở Nội vụ

- Đảng bộ cơ sở Sở Nội vụ:

Trước tháng 02/2008, tổ chức cơ sở Đảng của Sở Nội vụ là Chi bộ Sở Nội vụ, sau khi sáp nhập Ban Thi đua - Khen thưởng, Trung tâm Lưu trữ và bộ phận Tôn giáo của Ban Tôn giáo - Dân tộc tỉnh vào Sở Nội vụ, Đảng bộ Sở Nội vụ được thành lập theo Quyết định số 2066-QĐ-ĐULC ngày 16/6/2009 của Đảng ủy Liên cơ.

Đảng bộ cơ sở Sở Nội vụ có 47 đảng viên, 04 chi bộ trực thuộc; Ban Chấp hành Đảng bộ có 08 Đảng ủy viên; Ban Thường vụ Đảng ủy gồm: Bí thư, 01 Phó Bí thư và 01 Ủy viên Ban Thường vụ.

Trong quá trình hoạt động, Đảng ủy đã lãnh đạo đảng viên và quần chúng trong Đảng bộ tập trung thực hiện cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn theo kế hoạch đề ra. Trong đó, về công tác chuyên môn đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác Nội vụ. Phối hợp lãnh đạo Sở trong thống nhất, đồng thuận về xây dựng kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ và công tác tổ chức cán bộ của cơ quan. Lãnh đạo sâu sát các đoàn thể cơ quan trong việc vận động đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao. Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, phát triển đảng viên được chú trọng.

- Công đoàn cơ sở Sở Nội vụ:

Công đoàn cơ sở Sở Nội vụ có 56 công đoàn viên với 07 Tổ Công đoàn' Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở có 07 Ủy viên.

Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị công chức, viên chức hàng năm; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động; cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của công chức, viên chức, người lao động (CNVCLĐ), tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện trong CNVCLĐ. Tổ chức vận động CNVCLĐ trong cơ quan, đơn vị tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Thực hiện tốt việc phát triển quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng xây dựng cơ quan.

- Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Sở Nội vụ

Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Sở Nội vụ có 12 đoàn viên; Ban Chấp hành gồm: Bí thư, Phó Bí thư và 01 Ủy viên.

Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện tốt vai trò tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh niên nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của cơ quan; phối hợp với các đoàn thể thực hiện tốt công tác thanh niên; kết nạp đoàn viên mới và giới thiệu đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. 

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức Sở đã nỗ lực, khắc phục những khó khăn triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị chuyên môn. Đổi mới phương thức hoạt động, đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ kết hợp trách nhiệm người đứng đầu, coi trọng sức mạnh tập thể, phát huy vai trò cá nhân, giữ được mối liên hệ tốt trong ngành. Phát huy tính chủ động, kế hoạch của công chức, viên chức trong vai trò tham mưu, đề xuất lãnh đạo.

Luôn quan tâm việc quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, sắp xếp bộ máy, bố trí công chức phù hợp với tình hình nhiệm vụ; đề ra những công việc trọng tâm, các công việc đột xuất theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, chấn chỉnh những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa lãnh đạo Sở với Đảng ủy và các đoàn thể cơ quan trong hoạt động lãnh đạo quản lý, điều hành công việc nội bộ của cơ quan. Tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong xây dựng kế hoạch công tác, phân công thực hiện nhiệm vụ công chức, viên chức và tổ chức phát động các phong trào thi đua thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Từ những thành tích trên, trong thời gian qua Sở Nội vụ đã đạt được nhiều danh hiệu thi đua cao quý và cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Đặc biệt, Sở Nội vụ đã được Chủ tịch nước tặng thưởng:

Huân chương Lao động Hạng Ba về thành tích xuất sắc thực hiện Chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991 của Thủ tướng Chính phủ góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Huân chương Lao động Hạng Ba về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1996 đến năm 2000 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Huân chương Lao động Hạng Nhì về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2003 đến năm 2007 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh